Một góc thị trấn Chợ Chùa, trung tâm của huyện Nghĩa Hành hôm nay. Ảnh: P.Thái
Sau gần 50 năm, tôi mới có dịp trở về thăm lại Chợ Chùa. Cảnh cũ không dễ nhận ra, những người dân thuở ấy đi tứ tản hoặc đã mất. Nhờ một người quen, đưa tôi đến thôn Phú Bình, cách thị trấn Chợ Chùa vài trăm mét, may gặp lại được hai chị em dâu bà Võ Thị Nam (88 tuổi) và bà Bùi Thị Lý (86 tuổi), dâu ông Nguyễn Nhương, cách nhà ông Nguyễn Tương, đi tắt hơn 50 thước. Đây là nơi Cụ Huỳnh Thúc Kháng thường ở và khi qua đời, ngày 21.4.1947, tại nhà ông Nguyễn Tương – cơ quan đại diện của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Tuy sức yếu, nhưng các bà còn minh mẫn, đã kể lại khá nhiều chuyện về tình cảm, đức độ với nhân dân của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, đặc biệt là với Cụ Huỳnh Thúc Kháng vì các bà thường giúp bưng cơm nước, đôi khi đi chợ và những việc vặt khác.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đỗ giải nguyên (thủ khoa) khoa Canh Tý (1900), và đỗ tam giáp tiến sĩ Hội nguyên, khoa Giáp Thìn (1904), tức là đỗ Hương Hội song nguyên, nhưng không ra làm quan mà tham gia phong trào yêu nước, bị thực dân Pháp đày đi Côn Lôn 13 năm. Mãn tù, khâm sứ Trung kỳ Pasquies lại chiêu dụ Cụ Huỳnh ra làm quan. Cụ Huỳnh mỉm cười và dứt khoát.
Cố quyền Chủ Tịch Nước
Huỳnh Thúc Kháng ( 1876–1947), tự Giới Sanh, hiệu là Mính Viên (Vườn chè) hay đôi khi được viết là Minh Viên, là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng Việt Nam. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp, Bộ trưởng Nội vụ, quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: cụ Huỳnh.
Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
"Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết"
Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Hồ có thư mời Cụ Huỳnh tham gia Chính phủ. Trước khi lên đường, Cụ Huỳnh có nói: “Tôi muốn ra để gặp Cụ Hồ bày tỏ một vài ý kiến. Còn việc gì khác thì tôi không thể nhận”.
Có lẽ, đó cũng là sự biểu hiện đức thanh liêm của kẻ sĩ. Nhưng khi gặp Cụ Hồ, Cụ Huỳnh đã không cưỡng nổi sức thuyết phục quá lớn của Người mà Cụ Huỳnh đã thầm yêu kính từ những năm 20 của thế kỷ, dẫu có dần dà đến phút cuối, trước giờ khai mạc Quốc hội, Cụ Huỳnh mới chịu nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Hai cụ rất quý và tin nhau như ruột thịt. Chính phủ mới, công việc mới, vận mệnh của chính thể “nghìn cân treo sợi tóc”, Cụ Hồ lại phải đi dự Hội nghị Fông-ten-blô. Cử Cụ Huỳnh quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ quả là một gánh nặng quá sức đối với Cụ Huỳnh. Biết Cụ Huỳnh lo lắng, Cụ Hồ nói với Cụ Huỳnh, rất ngắn gọn, chỉ sáu chữ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Hình như các thiên tài bao giờ cũng ít nói và thường nói ít, nhưng họ lại nhận ra những điều rất lớn lao.
Mọi trọng trách được giao từ đó đến trước phút về cõi vĩnh hằng, nhà chí sĩ yêu nước, quyền Chủ tịch nước Việt Nam mới Huỳnh Thúc Kháng luôn thanh thản và đã sống trọn cuộc đời thanh bạch, dân tộc Việt Nam tôn vinh và mãi mãi noi gương Người.
Theo di chúc, thi hài Cụ Huỳnh Thúc Kháng được đặt trên đỉnh Thiên Ấn, phía bắc sông Trà Khúc, một trong mười hai cảnh đẹp nổi tiếng của Quảng Ngãi (Thiên Ấn niên hà), cũng là nơi thi sĩ Cao Bá Quát đã sáng tác bài “Thu nguyệt ca” nổi tiếng.
(Bài viết có tham khảo tác giả NGUYỄN TRUNG HIẾU)
(www.baoquangngai.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét