Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Ông cố vấn:THIẾU TƯỚNG VŨ NGỌC NHẠ

Ông nổi tiếng với biệt danh Ông cố vấn vì từng làm cố vấn cho một số chính trị gia cao cấp của Việt Nam Cộng hòa và là nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài gòn vào cuối năm 1969.
THIẾU TƯỚNG VŨ NGỌC NHẠ thứ 2 từ trái sang
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002) là một trong 4 huyền thoại trong ngành Tình báo Việt Nam, và là một Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (quê cha) nhưng từ nhỏ sống tại quê mẹ - Giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình.
Thời thanh niên, ông có vào học ở trường dòng một thời gian, rồi lên Hà Nội để học thi bằng Tú tài. Đầu năm 1945, sau cuộc đảo chính 9 tháng 3, ông làm quen với một cán bộ Việt Minh là Hoàng Minh Vân và được người này hướng dẫn tham gia cách mạng
Cuối năm 1946, ông tham gia chiến đấu chống Pháp tái chiếm Đông Dương tại mặt trận Hà Nội. sau ông trở về Thái Bình, tham gia công tác dân vận của chính quyền Việt Minh tại địa phương, phụ trách khối Công giáo vận, với bí danh là Lê Quang Kép. Năm 1951, để tiện hoạt động trong vùng bị Pháp kiểm soát, ông đã nhờ người em trai làm một chứng minh thư giả mang tên Vũ Ngọc Nhạ. Và cái tên này về sau trở thành nổi tiếng.
Năm 1953, qua sự giới thiệu của Bí thư Liên khu ủy Khu 3 là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, ông được ông  Trần Quốc Hương tuyển chọn vào cơ quan tình báo quân sự để đào tạo cán bộ hoạt động trong giới Công giáo.
Vào Nam hoạt động
Năm 1954,ông Hoàng Minh Đạo , thủ trưởng cơ quan tình báo quân sự đã ra chỉ thị tung một số điệp viên chiến lược vào miền Nam để chuẩn bị cho thời kỳ "hậu Hiệp định Geneve". Vũ Ngọc Nhạ là một trong số những điệp viên đó.
Sau khi vào Nam, ông cùng gia đình cư trú tại giáo xứ Bình An, không lâu sau chuyển sang sinh sống khu chợ Thị Nghè. Ông xin được một chân đánh máy trong Bộ Công chánh. Trong thời gian này, ông chủ yếu tập trung vào việc xây dựng vỏ bọc an toàn, nên thường xuyên lui tới giáo xứ Bình An và văn phòng Hội cựu tự vệ Công giáo Phát Diệm, qua đó chiếm được cảm tình của linh mục Hoàng Quỳnh và trở thành người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ. Cũng trong thời gian này, ông nhận ra được những yếu điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa giới Công giáo với chính quyền, yếu tố quan trọng mà về sau được ông sử dụng như một thủ pháp để hoạt động tình báo. Từ khi vào Nam, ông thường dùng các tên gọi như Hai LongHai NhạHai Nhã theo thứ bậc của người miền Nam và ông cũng được linh mục Hoàng Quỳnh đặt một tên gọi riêng là Hoàng Đức Nhã.
Tuy vậy, cuối tháng 12 năm 1958, ông bị một nhân viên phản gián của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung, tên là Nguyễn Tư Thái (tự Thái đen) nhận diện nhưng ông vẫn hoạt động tại vùng Thái Bình cho đến từ cuối năm 1952. Vì lý do này, ông bị Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung bắt giữ và bị giam để chờ xác minh tại trại giam Tòa Khâm, Huế. Do công tác chuẩn bị tốt, do sự vận động của linh mục Hoàng Quỳnh, cộng với sự may mắn, ông không bị kết tội vì không đủ hồ sơ, nhưng vẫn bị giam giữ một cách không chính thức đến tận giữa năm 1961.
Xây dựng Cụm tình báo chiến lược A.22
Được xem như một cố vấn cho tướng Thiệu trong lĩnh vực quan hệ với giới Công giáo, ông nhanh chóng trở thành một "Ông cố vấn" lần thứ hai, với sức ảnh hưởng đến chính giới còn mạnh hơn so với thời anh em Diệm - Nhu, nhất là từ sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống vào năm 1967. Để khai thác một cách triệt để hơn sức ảnh hưởng và nguồn thông tin lớn, cấp trên của ông đã mở rộng nhiệm vụ của ông thành mạng lưới, rồi cụm tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của ông) do Nguyễn Văn Lê làm Cụm trưởng, ông làm Cụm phó trực tiếp phụ trách lưới tình báo. Toàn bộ cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Đức Tín , Chỉ huy phó Tình báo quân sự tại miền Nam.

Vụ án Huỳnh Văn Trọng và 42 ông điệp báo

Tuy tổ chức rất chặt chẽ, nhưng do hoạt động mạnh và có ảnh hưởng đến chính giới cũng như chính quyền Sài Gòn, CIA nhanh chóng phát hiện thấy điều không bình thường của những nhân vật riêng rẽ này, vốn hầu hết đều là những nghi can về tội làm điệp viên và từng bị giam giữ tại trại Tòa Khâm. Do đó, cơ quan CIA đã tiến hành điều tra để phá vỡ cụm tình báo vô cùng nguy hiểm này. Hồ sơ các cựu tù nhân trại Tòa Khâm được giở lại từ giữa năm 1968. Do quy mô, cũng như sức ảnh hưởng quá lớn và tính chất phức tạp của vụ án, mãi hơn một năm sau CIA mới chuyển giao thông tin cho Tổng Nha Cảnh sát điều tra vụ án. Một đơn vị đặc biệt có mật danh S2/B đã được thành lập và đã tiến hành bắt giữ hầu hết những người của Cụm A.22 vào trung tuần tháng 7 năm 1969.
Về cơ bản, cụm tình báo gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Các chứng cứ về hoạt động tình báo hầu như đầy đủ. Chính giới Sài Gòn rung động vì quy mô của vụ án: 42 cán bộ và cơ sở điệp báo, hoạt động rộng và có ảnh hưởng trong nhiều cơ quan chính quyền cũng như các tổ chức chính trị, một phụ tá tổng thống bị bắt... Khi vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 11 năm 1969, báo giới Sài Gòn đã mệnh danh đây là “Vụ án chính trị của thế kỷ", “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại”
Tiếp tục hoạt động
Sau khi được trao trả, cuối năm 1973, ông được đưa về Phòng tình báo quân sự để làm công tác xác minh. Đầu năm 1974, sau khi đã kiểm tra thông tin, ông được khôi phục hoạt động bí mật và được công nhận quân hàm Trung Tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đồng thời nhận được quyết định khen thưởng về thành tích của Cụm A.22 đồng thời với quyết định kỷ luật cảnh cáo vì chịu trách nhiệm trong việc lưới tình báo này bị vỡ. Tháng 4 năm 1974, ông trở về hoạt động bán công khai tại Củ Chi, với mục đích xây dựng một cụm tình báo chiến lược mới do ông làm cụm trưởng, xây dựng cơ sở tình báo và nối lại quan hệ với các tổ chức chính trị thuộc Lực lượng thứ 3, đặc biệt là khối Công giáo. Tháng 1 năm 1975, ông trở lại Sài Gòn, sống bất hợp pháp và hoạt động trong Lực lượng thứ 3 với tư cách là một đại biểu Công giáo. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông có mặt bên cạnh tướng Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Mãi đến năm 1987, khi cuốn tiểu thuyết Ông cố vấn hồ sơ một điệp viên của Hữu Mai xuất bản, thân thế và sự nghiệp của ông mới được công chúng biết tới. Để tôn vinh sự nghiệp hoạt động của ông, năm 1988, Đảng và Nhà nước phong hàm Thiếu tướng cho Vũ Ngọc Nhạ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ

Ông được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng:
  • Huân chương Độc lập hạng ba,
  • Huân chương Quân công hạng ba,
  • Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì,
  • 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba,
  • Huân chương Chiến thắng hạng nhì,
  • Huân chương Kháng chiến hạng nhất,
  • 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhất, nhì, ba);
  • 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng nhất, nhì, ba);
  • Huy chương Quân kỳ quyết thắng,
  • Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Ông qua đời lúc 6 giờ 7 phút ngày 7 tháng 8 năm 2002 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. Phần mộ cửa ông hiện nay được đặt tại nghĩa trang Lạc Cảnh, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khu vực dành riêng cho các tướng lĩnh, gần mộ phần của 2 điệp viên nổi tiếng khác là Phạm Xuân Ẩn và Đặng Trần Đức. Mộ phần của Đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng cách đó không xa.
                                                     THÔNG CHÁNH
                                                 (Bài viết có tham khảo)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét