Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

QUẢNG NGÃI QUÊ TÔI

 QUẢNG NGÃI QUÊ TÔI

Lịch sử loài người bắt đầu từ khi con người và xã hội hình thành. Mốc đánh dấu thời điểm này là việc con người chế tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động sản xuất. Cho nên, như Ăngghen khẳng định, trong một ý nghĩa nhất định chính lao động đã tạo ra con người và xã hội . Quần chúng nhân dân là chủ nhân của lịch sử, sáng tạo ra mọi giá trị tinh thần và vật chất.
Con người sinh sống và hoạt động có ý thức trong môi trường không gian và thời gian với những điều kiện kinh tế - xã hộinhất định. Mối quan hệ giữa con người - không gian - thời gian là mối quan hệ biện chứng trong việc tạo nên lịch sử xã hội qua các thời đại kế tiếp, phát triển của một tiến trình hợp quy luật.
Cùng với mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với nhau cũng ngày càng trở nên mật thiết, ngay từ thời nguyên thuỷ; đặc biệt, từ buổi đầu của chủ nghĩa tư bản, các cộng đồng người, các châu lục, các vùng lãnh thổ trên thế giới dường như ngày càng kéo dịch lại và xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa làm cho các quốc gia, dân tộc hòa nhập vào nhau. Tuy nhiên, trong việc hòa nhập này, việc bảo vệ lãnh thổ, chế độ chính trị xã hội tiến bộ, nền văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc càng trở nên cấp thiết. Bởi vì, sự hòa nhập quốc tế không có nghĩa là sự hòa tan hoặc bị chi phối bởi "một cực", một thế lực mạnh về kinh tế, quân sự.
Tính độc lập, sự phát triển bền vững của các quốc gia - dân tộc với những chế độ chính trị xã hội khác nhau, thậm chí trái ngược nhau là điều kiện cho sự hòa nhập bình đẳng, cùng phát triển theo quy luật chung của lịch sử xã hội loài người. Lịch sử sẽ phán xét và khẳng định con đường phát triển chung, tiến bộ của nhân loại, dù quá trình này còn trải qua một chặng đường lâu dài, gian khổ, phức tạp, song tất thắng.
Trong bức tranh chung của lịch sử xã hội loài người, nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ góp phần làm cho "ngôi nhà chung" của thế giới thêm rực rỡ, tươi đẹp hơn, cũng như tiếp nhận ảnh hưởng, tác động tích cực, sự chi viện đầy thiện chí của bè bạn năm châu để cho đất nước ngày một giàu đẹp.
Quảng Ngãi, cũng như mọi địa phương khác trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam, là một bộ phận hữu cơ của Tổ quốc, dân tộc, mang trong mình truyền thống chung và những nét riêng của địa phương. Tìm hiểu một cách toàn diện quê hương trên mọi lĩnh vực - tự nhiên, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… qua các thời kỳ lịch sử là một yêu cầu quan trọng cho sự phát triển bền vững. Không hiểu về quê hương sẽ không có tình yêu quê hương sâu đậm, không nhận thức rõ đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với nơi chôn nhau cắt rốn. Tình yêu quê hương lại là cơ sở của lòng yêu nước chân chính - tinh thần yêu nước được nảy sinh, vun đắp trên sự quý mến, gắn bó với từng ngọn cỏ, bờ tre, những mái nhà tranh đơn sơ và nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, tự hào, nâng niu mọi giá trị vật thể và phi vật thể của Đất mẹ.
Sự hiểu biết về gia tộc, quê hương được ghi nhớ, truyền lại với nhiều hình thức khác nhau: truyền miệng, tài liệu thành văn, lễ hội, phong tục tập quán… là một động lực cho công cuộc xây dựng quê hương, Tổ quốc.
Địa chí là một loại tài liệu thành văn góp phần hiểu biết, yêu mến, tự hào, xác định trách nhiệm với quê hương. Ở những cấp độ khác nhau, địa chí của một vùng, một tỉnh, một huyện, một xã sẽ phác họa toàn cảnh của địa phương như một gam sắc màu riêng, hòa hợp trong bức tranh chung, rực rỡ của Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, giới thiệu toàn diện về địa phương, địa chí giúp cho mỗi người hiểu về điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống địa phương, về tài nguyên, ngành nghề thủ công, danh thắng, di sản văn học, nghệ thuật, giáo dục, lễ hội… Từ đó, mọi người nhận thức đúng quá khứ, hiện tại, tin tưởng vào tương lai của quê hương, Tổ quốc. Sự hiểu biết này cần thiết và không hề rơi vào các sailầm về "địa phương chủ nghĩa", "cục bộ" hay "tinh thần vị quốc" mà Đảng và Bác Hồ thường căn dặn phải khắc phục. Trước đây, cụ Phan Bội Châu cũng chỉ rõ: "Quốc sử ở một nước cũng như gia phả ở một nhà. Nhà mà có gia phả con cháu mới biết cao tằng khảo tông của mình. Nước nhà có sách sử thời dân trong nước mới biết công lao khó nhọc về sự nghiệp khai hóa của tiền nhân mà sinh mối cảm tình mật thiết. Nếu con cháu mà quên gia phả, thời chắc là con cháu bất hiếu. Dân trong nước mà không biết Quốc sử thời tất dân nước ấy là dân vong quốc tổ". Theo cụ, muốn hiểu nước ngoài, trước tiên phải biết mình, tức phải hiểu "những tiền nhân ở trong sử nước ta, mà là người có công đức với nòi giống, dòng họ ta" . Hiểu biết về đất nước, con người, xã hội là một nội dung quan trọng của địa chí.
Những nhận thức, quan điểm chủ yếu nêu trên đã được thể hiện trong việc biên soạn "Địa chí Quảng Ngãi". Từ nội dung của công trình được biên soạn, chúng ta có thể nêu những kết luận - khái quát, tập trung vào các mặt: tự nhiên, xã hội - con người Quảng Ngãi từ thời nguyên thuỷ đến nay. Trên cơ sở đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho ngày nay và cả mai sau.
Về tự nhiên, Quảng Ngãi nằm ở khoảng giữa đất nước Việt Nam, trên đường từ Bắc vào Nam, dọc theo biển Đông, tựa mình vào một vùng Tây Nguyên rộng lớn thuộc tỉnh Kon Tum, có đường bộ nối liền sang các nước Đông Nam Á. Đây là một vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược không chỉ về quân sự mà cả về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Đây là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt; là cầu nối để người Việt tiến dần vào phía Nam và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng dân cư tại chỗ để khai phá vùng đất này, mở rộng biên cương Tổ quốc ngày nay. Dẫu chưa thật sự đầy đủ, song những kết quả nghiên cứu thu được cũng giúp chúng ta có căn cứ khoa học cần thiết để nhận thấy rằng, trên vùng đất này đã có con người sớm sinh sống, xây dựng nền văn hóa thời đại đồ đá cũ, nền Văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ. Vào thế kỷ XV - XVI, địa giới và cư dân Quảng Ngãi ngày nay dần được ổn định, hình thành từng bước ý thức, tâm lý, tập quán, tính cách của mình và xác lập mối giao lưu văn hóa ở khu vực phía Nam trong sự phát triển chung của dân tộc.
Quá trình khai phá và phát triển vùng đất Quảng Ngãi ngày nay diễn ra trong điều kiện tự nhiên của địa phương không có được nhiều ưu đãi: tài nguyên không đa dạng, phong phú, đất đai cũng không màu mỡ, phì nhiêu; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt - nắng nhiều, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, bão, lốc, đất lở… thường xảy ra. Địa thế của Quảng Ngãi được diễn tả trong hai câu thơ lục bát súc tích, phác họa đầy đủ một bức tranh đặc tả về vùng đất:
"Núi bên kia, biển bên này,
Ép cong rẻo đất teo gầy miền quê"
Núi, sông cả vùng trung du, đồng bằng, ven biển, ao hồ xen nhau trên một địa bàn nhỏ, hẹp tạo nên một địa thế hiểm trở, một căn cứ địa vững chắc cho công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, Tổ quốc, giành độc lập dân tộc, nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho sản xuất và phát triển kinh tế. Mặt khác, điều kiện tự nhiên này nếu được khai phá cũng tạo nhiều thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Các căn cứ Tuyền Tung, Vĩnh Tuy, Ba TơTrà Bồng trong sự nghiệp giữ nước và Dung Quất (vốn tên là Vũng Quýt) ngày nay là những dẫn chứng về điều nêu trên.
Quảng Ngãi không giàu tài nguyên thiên nhiên. Một ít quặng sắt, than chì, cao lanh, vàng - với trữ lượng thấp, chất lượng không cao. Rừng có gỗ quý, nhưng còn ít, quế cũng không nhiều. Nước khoáng Thạch Bích có trữ lượng lớn, chất lượng tốt đang được khai thác có hiệu quả, giữ được "thương hiệu" trên thị trường trong nước. Sông, biển có nhiều loại cá quý, như cá thu, cá ngừ, cá liệt, cá hố, cá khoai… ở biển Đông, cá bống Sông Trà, cá thài bai Tịnh Long, song phải bảo vệ mới khai thác được lâu bền.
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên như vậy không có nhiều thuận lợi cho sự phát triển một nền kinh tế toàn diện, đặc biệt là công nghiệp; ngoài nông nghiệp là chủ yếu. Ngay trong nông nghiệp, người nông dân cũng phải cày sâu cuốc bẫm, có sức sáng tạo mạnh mẽ mới có thể bắt tự nhiên đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Điều này chứng tỏ điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, song không phải là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội. Sức lao động sáng tạo của con người mới là yếu tố quan trọng nhất đối với tiến trình lịch sử.
Con người Quảng Ngãi được tôi luyện trong điều kiện tự nhiên và xã hội của quê hương, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã hình thành những đặc trưng, nổi bật là tính "hay co". Có thể hiểu chữ "co" ở đây không phải là "an phận thủ thường", "thu mình lại" mà là "co cượng", "cứng đầu" trước cường quyền, bạo lực, trước muôn vàn thử thách của thiên tai, địch họa. Muốn hiểu rõ tính "hay co" của người dân Quảng Ngãi, phải đặt họ trong những điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước và địa phương. Bởi vì, ở con người ngoài yếu tố sinh học - "con" - còn có yếu tố xã hội - "người"-, được hình thành và phát triển trong lao động sáng tạo thích hợp với những điều kiện tự nhiên khách quan. Con người còn là sản phẩm của điều kiện lịch sử - xã hội nhất định.
Quảng Ngãi là vùng đất có cư dân sinh sống lâu đời, còn để lại nhiều dấu tích của các nền văn hóa xưa tại các di tích Gò Trá (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh), Gò Vàng (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà), thuộc thời đại đồ đá cũ; Long Thạnh (xã Phổ Thnh, huyện Đức Phổ), Bình Châu (huyện Bình Sơn) thuộc thời kỳ đồng thau và Sa Huỳnh thuộc thời kỳ sắt sớm. Văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển khá rực rỡ, trải dài trên một vùng rộng lớn từ Quảng Bình đến Bình Thuận, bao gồm cả Tây Nguyên và các đảo xa xôi thuộc khu vực biển Đông ở Đông Nam Á. Trong địa bàn rộng lớn của Văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi được xem là cái nôi, trung tâm của nền văn hóa này. Vị trí của Quảng Ngãi trong nền Văn hóa Sa Huỳnh không phải vì nơi đây đã phát hiện được di vật đầu tiên mà là ở số lượng hiện vật, tiêu biểu cho một nền văn hóa ven biển miền Trung phát triển ở trình độ cao, có mối quan hệ với các nền văn hóa khác trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, đặc biệt nền Văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và các nền văn hóa ở Đông Nam Bộ.
Việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nền Văn hóa Sa Huỳnh từ giai đoạn sớm (Tiền Sa Huỳnh) có niên đại 4000 - 3000 năm cách ngày nay, giai đoạn muộn vào giữa thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên chắc sẽ thêm nhiều tài liệu khoa học làm sáng tỏ hơn nguồn gốc và sinh hoạt của chủ nhân Văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, các tỉnh lân cận, cũng như mối liên hệ với các khu vực trong và ngoài nước. Những tài liệu này sẽ là một cơ sở khoa học để xây dựng sự đoàn kết dân tộc và khu vực ngày nay thêm vững chắc.
Về thời kỳ cổ sử, tuy chưa đủ tài liệu để khôi phục đầy đủ, chính xác bức tranh xã hội, chính trị của thời kỳ này, song cũng có thể nhận thấy mối quan hệ giữa các cư dân từ phía nam đèo Ngang (Quảng Bình) đến bờ bắc sông Đồng Nai (Bình Thuận) với nhân dân Văn Lang - Âu Lạc, rồi Đại Việt ở phần bắc Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Mối quan hệ ấy, ngày một mở rộng và chặt chẽ trên các lĩnh vực giao lưu kinh tế, văn hóa, đặc biệt trong việc nhân dân các miền sát cánh nhau để đấu tranh chống sự xâm lược và đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, cũng như các thế lực từ biển Đông, từ phía Tây, từ phía Nam kéo đến.
Từ cuối thế kỉ II sau Công nguyên, khi đất Giao Chỉ ở phía Bắc nằm dưới sự thống trị của phong kiến Trung Quốc và nhân dân liên tục nổi dậy chống ách đô hộ Bắc thuộc thì Quảng Ngãi đang nằm gần miền giữa của nước Lâm Ấp (năm 192). Đến thế kỉ XV, vùng đất Quảng Ngãi, lúc bấy giờ có tên gọi theo âm Hán - Việt là Cổ Luỹ Động, thuộc châu Amaravati - một trong 5 tiểu quốc của Vương quốc Chămpa. Tuy vậy, trong khi nhiều tỉnh khác ở Nam Trung Bộ, như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, di tích văn hóa lịch sử Chămpa còn khá nguyên vẹn, được giữ gìn, tôn tạo, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới như Thánh địa Mỹ Sơn, thì di tích của văn hóa Chămpa trên đất Quảng Ngãi không còn mấy, trừ thành cổ Châu Sa (xây dựng vào khoảng thế kỉ XI - XIII), các phế tích như tháp Chánh Lộ…
Trong quá trình mở rộng lãnh thổ, trở thành một quốc gia thống nhất của các dân tộc Việt Nam, Quảng Ngãi là cầu nối giữa hai miền Bắc, Nam. Đến năm 1402, Quảng Ngãi chính thức trở thành một bộ phận của nước Việt Nam ngày nay, khi mà "hai châu Tư và Nghĩa cũng do nhà Hồ đặt ở phía Nam hai châu Thăng và Hoa, trên đất Cổ Luỹ của Chiêm Thành, tương đương với Quảng Ngãi ngày nay" .
Vấn đề người Việt ở phía Bắc đi vào vùng đất Quảng Ngãi, chung sống với cư dân bản địa từ bao giờ là vấn đề còn phải tìm hiểu thêm. Làm rõ điều này chúng ta sẽ xác định những yếu tố Chăm và yếu tố Việt, cũng như của các tộc người bản địa khác ở con người Quảng Ngãi, nêu rõ những đặc điểm chung của dân tộc và đặc điểm riêng của cư dân Quảng Ngãi. Về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Có phải từ năm 1306, khi Hóa Châu (nay thuộc Thừa Thiên - Huế) là vùng đất cực Nam của Đại Việt, số người Việt ở phía Bắc đã bắt đầu vào đất Quảng Ngãi ngày nay sinh sống càng đông và họ dần có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân địa phương? Hoặc mãi đến năm 1471, khi Lê Thánh Tông đem quân vào phía Nam, lập Quảng Nam Thừa tuyên xứ, cử "Lê Ỷ Đà làm Cổ Luỹ châu Tri quân dân"  thì người Việt ở phía Bắc mới vào đông ở Quảng Ngãi, cũng như Quảng Nam, Bình Định ngày nay để cùng nhân dân địa phương khai thác vùng đất này?…
Dù thời điểm người Việt đi vào phía Nam định cư, khai phá Quảng Ngãi bắt đầu từ lúc nào (sẽ được làm sáng tỏ) thì năm 1402 khi Hồ Quý Ly đặt chân lên đất Cổ Luỹ vẫn là cái mốc đáng ghi nhớ; vì nó đánh dấu bước mở đầu của vùng đất này chính thức trở thành một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Như đã nói, từ thế kỷ XV - XVI trở đi các cư dân trên vùng đất Quảng Ngãi ngày nay được dần dần ổn định, bắt đầu hòa nhập vào Đại Việt. Trên cơ sở này vào đầu thế kỷ XVII, đời "Lê Hoằng Định năm thứ ba (1603), mới đổi phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Ngãi, đặt các chức Tuần phủ và Khám lý, song vẫn lệ thuộc vào Quảng Nam" . Đến đây, địa danh "Quảng Ngãi" xuất hiện .
Từ thời điểm này trở đi, các cộng đồng các dân tộc trên đất Quảng Ngãi, cũng như ở các địa phương khác đang mở rộng dần vào phương Nam, đã chung sức xây dựng quê hương trong tiến trình phát triển của đất nước.
Trong buổi đầu gia nhập vào đại gia đình Đại Việt, nhân dân Quảng Ngãi đã đứng trước nạn ngoại xâm của nhà Minh (Trung Quốc). Song trong cuộc kháng chiến chống Minh, do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo, nhân dân vùng đất này chưa có điều kiện sát cánh cùng đồng bào miền Bắc chống xâm lược. Bởi vì, lúc bấy giờ quân Minh cũng chưa có lực lượng để mở rộng đánh chiếm vùng đất phía Nam đèo Hải Vân (8), dù tướng Minh là Trương Phụ cầm đầu đội quân xâm lược Đại Việt đã thề rằng: "Tôi sống được cũng là vì châu Hóa, có làm ma cũng là vì Hóa châu. Hóa châu mà chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào trông thấy chúa Thượng nữa" . Do địa thế cách trở, nhân dân vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa không thể cùng nhân dân phía Bắc Hải Vân trực tiếp chiến đấu chống quân Minh, nhưng trên thực tế cũng không để cho quân Minh mở rộng cuộc xâm lược về phía Nam. Điều này ít nhiều đã góp phần vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược.
Sau khi nhà Hậu Lê được thành lập, việc củng cố, ổn định vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi được chú trọng. Năm 1471, vùng đất từ phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông (Bình Định ngày nay) trở thành Thừa tuyên thứ 13 - Thừa tuyên Quảng Nam - của Đại Việt. Thừa tuyên Quảng Nam từ đây phát triển trong tiến trình chung của cả nước.
Sự suy yếu của nhà Lê từ đầu thế kỉ XVI, dẫn tới sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến, gây ra những cuộc chiến tranh và sự chia cắt đất nước.
Năm 1527, nhân sự suy yếu của nhà Lê và do đã gây dựng được thế lực nhất định, Mạc Đăng Dung ép vua Lê (Cung Hoàng) phải nhường ngôi cho mình và lập ra nhà Mạc. Nhiều quan cũ của triều Lê đã nổi dậy chống Mạc, và lập một triều đình mới ở Thanh Hóa, được gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc. Cuộc chiến tranh giữa Nam triều và Bắc triều diễn ra gần một thế kỉ, thế kỉ XVI, gây nên bao cảnh tàn phá, giết chóc và chết đói trong cả nước.
Lúc đầu, vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Mạc, nhưng năm 1539 - 1540 quân Nam triều chiếm được trấn lỵ Thanh Hóa, Nghệ An và mở rộng vào Nam. Nhân cơ hội này, năm 1545, Bùi Tá Hán lấy được đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc, được phong Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, trấn nhậm Thừa tuyên Quảng Nam, đóng lỵ sở tại Quảng Ngãi . Năm 1546, nhà Lê hoàn toàn làm chủ vùng đất từ Thanh Hóa trở vào Nam. Năm 1592, quân Nam triều đánh chiếm Thăng Long. Cuộc chiến tranh kết thúc. Nhà Mạc đổ. Tình hình Nam, Bắc triều chấm dứt. Nhà Lê được trung hưng. Từ đây lại nảy sinh những mâu thuẫn mới trong các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn, dẫn tới cuộc cát cứ ở hai miền - Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Để tránh bị Trịnh Kiểm ám hại, năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn đất Thuận Hóa để lấy "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Năm 1570, Nguyễn Hoàng được cử kiêm Trấn thủ Quảng Nam. Từ đây, họ Nguyễn đã thực hiện lời trăn trối của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: "Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Quang, phía Nam có đèo Hải Vân và Thạch Bi, địa thế hiểm trở, thật là một nơi để cho người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ kháng cự lại họ Trịnh thì gây dựng được cơ nghiệp muôn đời" .
Cuộc chiến tranh Trịnh, Nguyễn diễn ra, gây nhiều tai họa cho nhân dân. Chiến tranh chấm dứt, không phân thắng bại, hai họ Trịnh, Nguyễn ngưng chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới, một lần nữa chia cắt đất nước thành hai miền: Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Trong hơn 200 năm, từ lúc Nguyễn Hoàng được cử trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến khi chúa Nguyễn phải bỏ chạy khỏi Phú Xuân (Huế, 1775), lãnh thổ Đàng Trong dần dần được mở rộng về phía Nam. Các chúa Nguyễn ra sức xây dựng Đàng Trong thành một vương quốc riêng, thoát khỏi sự lệ thuộc vào vua Lê, chúa Trịnh. Cho đến giữa thế kỉ XVIII, chúa Nguyễn đã làm chủ được một vùng đất rộng lớn từ phía Nam dãy Hoành Sơn đến mũi Cà Mau, vùng đất này được chia thành 12 đơn vị hành chính; đó là các dinh. Mỗi dinh lại chia ra các phủ. Quảng Ngãi là một phủ, thuộc dinh Quảng Nam (gồm 3 phủ Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn).
Chúa Nguyễn thi hành một chính sách cai trị tương đối rộng rãi: thuế nhẹ để "vỗ yên muôn dân", thúc đẩy nông nghiệp, thủ công nghiệp nhanh chóng phát triển… Tuy nhiên, chế độ phong kiến vẫn đè nặng lên nhân dân lao động với việc quan lại tự tiện nhũng lạm trong việc thu thuế, bắt sưu dịch, kiếm bổng lộc. Năm 1771, Tuần phủ Quảng Ngãi là Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh, đã nhận xét tình hình của địa phương mình trấn nhậm, cũng là tình hình chung của Đàng Trong. Ông chỉ rõ: "Phủ huyện là chức trị dân mà gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi kiện tụng…
Từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ, tra hỏi và kiếm lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc". Theo ông, "dân nên cho tĩnh, không nên làm cho động… Nay sai người đi săn bắn ở núi rừng tìm ngà, đòi ngựa. Bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương… mọi thứ sinh tệ cho nhân dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án" . Đây là ba gánh nặng đối với nhân dân, gây nên sự bất bình. Đề nghị của Nguyễn Cư Trinh không được chúa Nguyễn chấp nhận, dân tình ở Quảng Ngãi cũng như ở Đàng Trong tiếp tục khốn khổ.
Mâu thuẫn xã hội ngày một gay gắt ở Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài. Phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi hòa chung vào cuộc đấu tranh của nông dân chống phong kiến, địa chủ liên tiếp nổ ra trong cả nước. Sử cũ còn ghi lại một số cuộc nổi dậy của nhân dân Quảng Ngãi. Năm 1695, nông dân Quảng Ngãi vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, do một người tên là Linh chỉ huy. Tiếp đó, vào thế kỉ XVIII, cuộc nổi dậy của người Chăm Rê ở miền Tây Quảng Ngãi cũng khá dữ dội làm cho chúa Nguyễn lo sợ .
Đỉnh cao của phong trào nông dân Đàng Trong, cũng như của cả nước, là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, nổ ra ở Bình Định vào năm 1771, rồi nhanh chóng lan ra và thắng lợi ở Quảng Ngãi, đặc biệt đồng bào dân tộc vùng Thạch Bích (Đá Vách) đã đóng góp nhiều công sức. Trong số Đô đốc của Tây Sơn có Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ và Nguyễn Tăng Long người gốc Quảng Ngãi .
Trong thời các vua Nguyễn, vào nửa đầu thế kỉ XIX, cũng như trong cả nước, tình trạng hạn hán, lụt lội… ở Quảng Ngãi thường xảy ra, dẫn tới mất mùa liên tiếp, đói kém, bệnh tật, nặng nhất là nạn đói năm 1814. Vì vậy, cùng đồng bào cả nước, nhân dân Quảng Ngãi đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ, đặc biệt là các dân tộc ít người ở miền Tây, như người Cor, người Hrê mà giới địa chủ phong kiến gọi họ một cách miệt thị là "mọi Đá Vách". Cuộc đấu tranh khiến cho triều đình nhà Nguyễn phải khiếp sợ. Tâm trạng này được Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh mô tả trong "Truyện Sãi vãi":
"Những sợ nhiều quân Đá Vách…
Tưởng đâu lạc phách, nhớ đến kinh hồn" .
Cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi từ nửa sau thế kỉ XIX là một bộ phận khăng khít trong các phong trào đấu tranh chung của nhân dân cả nước, nhằm bảo vệ quê hương, giải phóng dân tộc khi thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ Quảng Ngãi cũng như cả nước.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, kể từ khi chúng nổ súng ở Đà Nẵng (1.9.1858), người dân Quảng Ngãi sớm có mặt trên trận tuyến. Ngay khi thực dân Pháp tấn công Gia Định, Hộ đốc thành Võ Duy Ninh, người Quảng Ngãi, đã chiến đấu, bị trọng thương và khi biết thành đã mất ông rút gươm tự vẫn vào ngày 12.2.1859 … Trương Định quê làng Tư Cung (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) theo cha là Trương Cầm vào lập nghiệp ở Tân An (thuộc Long An ngày nay), là một trong những nhà yêu nước đầu tiên ở Gia Định cùng nhân dân nổi lên khởi nghĩa chống Pháp xâm lược. Trương Định được nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh tôn vinh "Bình Tây Đại nguyên soái". Ông đã chỉ huy hàng vạn nghĩa quân chống Pháp mấy năm liền. Ông đã hy sinh giữa trận tiền như một anh hùng dân tộc. Con ông là Trương Quyền đã nối nghiệp cha chống Pháp, phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Cămpuchia, do Pôkumpô (Pokumpo) lãnh đạo, góp phần đặt cơ sở cho liên minh chiến đấu của hai dân tộc Việt Nam - Cămpuchia .
Trong phong trào Cần vương, mà thực chất là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình và phong trào Cần vương Quảng Ngãi "đã đóng vai trò châm ngòi khởi động đầu tiên cho cả chuỗi dài các cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh cùng lúc bùng nổ làm cho kẻ thù và tay sai hốt hoảng, lo sợ" .
Thế kỉ XIX kết thúc cũng là sự chấm dứt của phong trào Cần vương trong cả nước, cũng như ở Quảng Ngãi và chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Thế kỉ XX mở đầu với những cuộc đấu tranh chống Pháp theo con đường cứu nước mới - con đường dân chủ tư sản - của những sĩ phu yêu nước, tiến bộ, tiếp thu tư tưởng tư sản thông qua tân thư, tân văn từ Trung Quốc sang. Những tư tưởng mới nhanh chóng đi vào nhân dân, làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân vượt quá tầm suy nghĩ, hành động của sĩ phu yêu nước. Điều này được thể hiện rõ nét trong các phong trào Đông du, Duy tân, phong trào khất thuế, cuộc khởi nghĩa của binh lính năm 1916, cũng như nhiều cuộc đấu tranh vũ trang bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Tây Quảng Ngãi.
Phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Quảng Ngãi không những vượt quá "mức" đề ra của những nhà lãnh đạo lúc bấy giờ mà còn là một cơ sở rất quan trọng để tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến tới thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Quảng Ngãi. Tư tưởng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân trên cơ sở kết hợp chặt chẽ phong trào yêu nước, phong trào công nhân và sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện rõ nét ở Quảng Ngãi. Do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, ở Quảng Ngãi cơ sở công nghiệp chẳng có gì, ngoài hãng rượu SICA ở Quán Cơm, một số công nhân làm việc ở nhà máy đèn… Vì vậy, cũng không thể bùng nổ cuộc đấu tranh mạnh mẽ của phong trào công nhân trong tỉnh. Tuy nhiên trong phong trào chung của cả nước, cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân và sự tiếp nhận, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin của học sinh, sinh viên Quảng Ngãi học tập ở các đô thị lớn như Huế, Hà Nội, Sài Gòn truyền về, nên tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã thâm nhập ngày càng sâu rộng vào nhân dân Quảng Ngãi.
Từ việc tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi sự thành lập Đảng bộ tỉnh có thể rút ra một bài học: Với lòng yêu nước nồng nàn, vững tin vào con đường cứu nước theo cách mạng xã hội chủ nghĩa được Bác Hồ lựa chọn và Đảng khẳng định, với tài trí của người dân, cùng sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, nhân dân Quảng Ngãi đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất định sẽ thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.
Theo quy luật chung về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, việc thành lập Đảng bộ Quảng Ngãi cũng mở "bước ngoặt vĩ đại" đối với sự nghiệp đấu tranh chống Pháp, giành độc lập tự do theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ đã khơi dậy tiềm năng yêu nước của nhân dân Quảng Ngãi, phát động cuộc đấu tranh mạnh mẽ trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Trong Chỉ thị ngày 18.1.1931, Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định: "Ở Quảng Ngãi tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía Nam Trung Kỳ" .
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã để lại cho nhân dân và Đảng nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, trong đó nổi bật là bài học về xác định vai trò lãnh đạo của Đảng, về sự phát huy sức mạnh của nhân dân và xây dựng, củng cố khối đoàn kết dân tộc trên cơ sở công nông liên minh. Bài học này còn nguyên giá trị trong ngày nay khi chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trên vùng đất có nhiều khó khăn và trình độ phát triển kinh tế còn thấp.
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào cách mạng yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi có lúc, có nơi tạm lắng xuống, song vẫn được duy trì, liên tục phát triển mà đỉnh cao là cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi (11.3.1945) đưa đến sự thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi. Vấn đề được đặt ra để suy nghĩ và rút bài học cho ngày nay là "Vì sao phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ lại liên tục, sôi nổi, có phần đi trước trong việc vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng?". Trong cao trào cách mạng 1936 - 1939, tuy không phải là vùng đô thị lớn, song phong trào dân chủ, hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp vẫn diễn ra sôi nổi. Nhật đảo chính Pháp, ngay 2 ngày sau đó, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã chớp thời cơ làm nên cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử ngày 11.3.1945, Đội Du kích Ba Tơ ra đời, trở thành tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám, nắm vững đường lối của Đảng, khi có thời cơ, dù chưa nhận được Chỉ thị Tổng khởi nghĩa, Đảng bộ vẫn quyết định khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Quảng Ngãi sớm nhất trong cả nước (14.8.1945). Ngay sau đó, đội quân Du kích Ba Tơ và cán bộ cách mạng Quảng Ngãi đã chi viện, hỗ trợ cho các tỉnh bạn đấu tranh giành chính quyền và là địa phương có quân Nam tiến đầu tiên.
Điều quan trọng rút ra từ Cách mạng tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi là sức mạnh lòng yêu nước của nhân dân, sự lãnh đạo sáng suốt, sáng tạo của Đảng bộ, vai trò của đảng viên cộng sản, của cán bộ cách mạng trong cuộc đấu tranh đã đem lại thắng lợi. Do biết đặt quyền lợi của Tổ quốc, Đảng, nhân dân lên trên hết với khẩu hiệu "hy sinh vì Tổ quốc", "Trung thành với cách mạng" mà Đảng đã phát động được sức mạnh quần chúng nhân dân để giành thắng lợi to lớn. Bài học này còn nguyên giá trị trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng đất nước, quê hương theo con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay.
30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng quê hương là một thời kỳ lịch sử huy hoàng, đồng thời nhân dân Quảng Ngãi cũng như đồng bào cả nước phải trải qua nhiều hy sinh, tổn thất. Trong thời kỳ này, nhân dân Quảng Ngãi đã vô cùng anh dũng trong chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, chịu đựng mọi khó khăn, thử thách, hy sinh và cũng đầy sáng tạo.
Có thể nói, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ là một cuộc chiến tranh đầy tội ác. Ở Quảng Ngãi, lính Mỹ và chư hầu đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân, mà vụ thảm sát Sơn Mỹ (1968) là một tội ác, bị nhân dân tiến bộ trên thế giới lên án. Đây là tội ác, sánh bằng tội ác của phát xít Đức ở trại tập trung Bukhenvan (Buchenwald), vụ thảm sát Liđixe (Lidice) ở Tiệp Khắc, vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản. Đồng thời trong đau thương, khí thế quật cường của nhân dân Quảng Ngãi vùng dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, làm nên các chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường…
Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Quảng Ngãi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cũng như đồng bào cả nước, nhân dân Quảng Ngãi không chỉ có truyền thống đánh giặc giữ nước mà còn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Với điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp, nông dân Quảng Ngãi phải lao động cật lực để làm ra hạt lúa, củ khoai. Song cũng từ lao động nhọc nhằn ấy đã nảy sinh bao nhiêu sáng tạo trong nông nghiệp, thuỷ lợi, thủ công nghiệp, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Nổi bật là nghề gốm, nấu đường, làm bánh kẹo và xe nước. Xe nước là một công trình thuỷ nông tuyệt vời - kết quả của trí thông minh, sáng tạo của người dân Quảng Ngãi. Trên đất nước ta, cũng như ở nhiều nước trong khu vực và ở nhiều châu lục, việc dùng sức nước để tưới tiêu, phục vụ sản xuất, cuộc sống khá phổ biến. Song có lẽ quy mô của một bờ xe nước với trên, dưới chục bánh thật hiếm nơi nào sánh kịp Quảng Ngãi. Có thể nói đây là biểu tượng đẹp đẽ của "nền văn hóa bờ xe nước" độc đáo của Quảng Ngãi. Trong tiến bộ, phát triển của khoa học - kỹ thuật nói chung, về thuỷ lợi nói riêng trong ngày nay, bờ xe nước dọc sông Trà Khúc, sông Vệ có lẽ không nên bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cuộc sống. Mong rằng ở dọc sông Trà Khúc, gần thành phố Quảng Ngãi có cách nào dựng lại một bờ xe nước để tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ của vùng núi Ấn, sông Trà, hấp dẫn khách du lịch và cũng là "đồ dùng trực quan" sinh động để giáo dục các thế hệ mai sau về tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của tổ tiên.
Tài nghệ của người dân Quảng Ngãi trong lao động sản xuất thể hiện rõ trong các nghề làm gốm, nổi tiếng với các sản phẩm vại, chum, muỗng đường, nồi, niêu, trách, trả và đặc biệt nghề nấu đường, làm kẹo. Vào thế kỷ XVI - XVII, cùng với Đàng Ngoài, sản phẩm các nghề thủ công ở Đàng Trong không chỉ lưu hành rộng rãi trong khu vực mà một phần được bán ra nước ngoài. Quảng Ngãi đã đóng góp cho việc xuất khẩu đường: "Đường mía gồm các loại đường cát, đường phèn, đường phổi, là sản phẩm nổi tiếng của Đàng Trong. Số lượng đường bán ra nước ngoài hằng năm lên đến hàng vạn tạ" .
Truyền thống và tài nghệ của người dân Quảng Ngãi được kế thừa và phát triển trong các đời sau và cả trong ngày nay; sản phẩm của nhiều ngành nghề thủ công trở thành những đặc sản của Quảng Ngãi được sử dụng phổ biến trong cả nước, như kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi, thịt bò khô, cá bống sông Trà… Tinh thần yêu nước, sáng tạo, tài nghệ của người dân Quảng Ngãi trong lao động sản xuất đang được thể hiện trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu là công trình thuỷ nông Thạch Nham, Khu Kinh tế Dung Quất…
Văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân Quảng Ngãi được thể hiện trong sinh hoạt lễ hội, văn học dân gian và văn học bác học, nghệ thuật… Các lễ hội bắt nguồn từ lòng tôn thờ những người có công trong công cuộc xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước, trong lao động cực nhọc song hứng thú và đầy sáng tạo. Những câu hò, như hò giã gạo, hò nện nền nhà… thể hiện và làm tăng thêm tinh thần thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống tươi vui, trong lao động của những con người giàu tình làng nghĩa xóm. Bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa dân tộc và địa phương là yêu cầu cấp thiết trong xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa vào thời kỳ hội nhập quốc tế và khu vực của nhân dân ta. Vì vậy, cần báo động tình trạng các di tích lịch sử bị huỷ hoại vì con người và thiên nhiên và những di sản văn học, nghệ thuật dân gian của các dân tộc trong tình trạng bị lãng quên và mất dần.
Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đã khẳng định:
"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu" .
Một nước có văn hiến là một nước có nền giáo dục (dân gian và nhà trường) phát triển. Quảng Ngãi cũng là vùng đất có văn hiến trong quốc gia Việt Nam có văn hiến, với nền giáo dục khá phát triển. Một vùng đất nghèo, con người phải lao động vất vả để sống, song tinh thần, ý chí học tập, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo thì ngày một toả sáng. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo này được thể hiện ở việc lập Văn Thánh và tổ chức lễ tế hàng năm (Đình Văn Thánh về sau cũng là một di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh).
Giáo dục nhà trường theo Nho học ra đời ở Quảng Ngãi từ nửa sau thế kỉ XV, khi đã chính thức gia nhập vào gia đình Đại Việt, song chưa có thành tựu gì đáng kể. Trong mấy thế kỉ thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, giáo dục, thi cử, cũng được tổ chức, tuy chưa có quy củ, nền nếp như Đàng Ngoài và các kỳ thi Chính đồ, Hoa văn cũng có người Quảng Ngãi đỗ đạt. Từ đầu thế kỉ XIX, dưới thời vua Nguyễn, giáo dục và thi cử được tổ chức khá tốt, trên cơ sở kế thừa thành tựu của các triều đại trước; số người đi học, đi thi được ghi tên trên bảng vàng trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ngày một nhiều. Trong thời Pháp thuộc, các sĩ phu yêu nước Quảng Ngãi đã nhanh chóng theo con đường Duy tân, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp theo con đường tư sản dân chủ. Không ít sĩ phu yêu nước này đã chuyển sang con đường cách mạng vô sản, tiếp nhận, ủng hộ, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành đảng viên cộng sản như Nguyễn Công Phương…
Từ những năm 20 của thế kỉ XX, khi Tây học đã chiếm địa vị độc tôn ở Quảng Ngãi cũng như cả nước, trong tầng lớp học sinh, sinh viên tân học ở Quảng Ngãi có nhiều người nhanh chóng chuyển sang con đường cứu nước theo cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chọn cho nhân dân Việt Nam. Trương Quang Trọng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu là những trí thức mới ở Quảng Ngãi, đã sớm đứng trong hàng ngũ những người cộng sản đầu tiên của Quảng Ngãi. Các ông đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham dự Đại hội lần thứ nhất của Hội đầu tháng 5.1929. Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2.1930). Đây là những đảng viên cộng sản của thời kỳ xây dựng Đảng.
Dù bị chính quyền thực dân Pháp tìm cách hạn chế, thực hiện chính sách giáo dục ngu dân, song với tinh thần hiếu học, nhân dân Quảng Ngãi vẫn phát triển giáo dục ở tỉnh nhà. Vì vậy, chức học quan của chính quyền thực dân, nửa phong kiến đứng đầu ở một tỉnh nhỏ như Quảng Ngãi không phải là Kiểm học mà là Đốc học như ở các tỉnh lớn. Không ít thầy giáo trở thành chiến sĩ cách mạng, đảng viên cộng sản.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, giáo dục Quảng Ngãi phát triển nhanh chóng, nhất là phong trào Bình dân học vụ. Năm 1949, Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh đầu tiên nhận được Giải thưởng danh dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành tích xoá xong nạn mù chữ, sau Hà Tĩnh (tháng 2.1949) . Về giáo dục phổ thông, trường Lê Khiết là một cơ sở góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước; nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ quân sự, chính trị, giáo dục, các nhà khoa học đã trưởng thành từ ngôi trường này. Trường Trung học Bình dân mà đồng chí Phạm Văn Đồng là Hiệu trưởng danh dự cũng cung cấp nhiều cán bộ cấp cao, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ trong lao động sản xuất, đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân vùng đất Cẩm Thành được hình thành trong truyền thống chung của dân tộc và mang những đặc điểm của địa phương.
Vì vậy, việc tìm hiểu toàn diện về vùng đất Quảng Ngãi thông qua địa chí tỉnh giúp chúng ta rút ra những kết luận cần thiết về con người Quảng Ngãi trong quá khứ và hiện tại. Bởi vì, con người là trung tâm của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Việc nghiên cứu sâu sắc, có hệ thống mọi mặt về điều kiện tự nhiên, con người và xã hội là một cơ sở khoa học quan trọng để có chiến lược, kế hoạch khai thác tài nguyên bền vững, có chính sách đúng đắn với con người, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời đại ngày nay, kế thừa và phát triển quá khứ. Nhân dân Quảng Ngãi cùng đồng bào cả nước đang ra sức thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là bước phát triển tiếp theo của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Trong cuộc đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đích thực ở vùng đất vốn nghèo khổ, việc phát huy những đức tính, thành quả của con người được rèn luyện trong khó khăn gian khổ, luôn đi đầu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vào nhiệm vụ mới hiện nay là điều không thể thiếu được. Trong bước chuyển biến lịch sử này, bản thân con người phải có sự chuyển biến cơ bản, trên cơ sở tiếp nhận, phát triển những giá trị, truyền thống của quá khứ, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Cho nên, nghiên cứu, tìm hiểu địa chí để hiểu rõ điều kiện tự nhiên mà khai thác, sử dụng hợp lý và để "Từ trong cái bếp lò tinh thần của cha ông, chúng ta lấy ra không phải nắm tro tàn nguội lạnh mà là ngọn lửa đang bốc cháy", như một châm ngôn của phương Tây đã khẳng định.
Nghiên cứu điều kiện tự nhiên xã hội, truyền thống yêu nước của cộng đồng cư dân Quảng Ngãi, chúng ta tự hào với quá khứ anh hùng của vùng đất núi Ấn sông Trà. Tại đây đã sản sinh biết bao sĩ phu yêu nước dám xả thân vì nghĩa lớn, biết bao công, nông, trí thức dấn bước theo ngọn cờ cộng sản, biết bao chàng trai, cô gái trở thành anh hùng đất Việt, biết bao cán bộ trở thành tướng lĩnh quân đội cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước của nước Việt Nam mới. Từ đó chúng ta tin tưởng vào các thế hệ người Quảng Ngãi hôm nay và mai sau nhất định sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông cha.
Với cách nghĩ thẳng thắn, với ý thức trách nhiệm và nguyện vọng thiết tha với quê hương, đất nước, chúng ta có thể nói rằng, sau 30 năm giải phóng, Quảng Ngãi có những bước tiến khá rõ rệt, cuộc sống nhân dân có nhiều cải thiện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa. Song sự chuyển biến này chưa tương xứng với tiềm năng con người, truyền thống anh hùng và điều kiện thuận lợi của quê hương, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, cần làm sáng tỏ, song việc phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Quảng Ngãi xưa: những trí tuệ mẫn cảm, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Quảng Ngãi; thích ứng với môi trường tự nhiên nhưng không cam chịu mà đấu tranh cải tạo, bắt tự nhiên phục vụ lâu dài, có hiệu quả; anh dũng chống các thế lực áp bức, ngoại xâm, giữ đúng nguyên tắc mà sáng tạo, kiên cường và mưu trí nắm được thời cơ trong hành động, hăng hái vươn lên hàng đầu mà giữ được tính kỷ luật, ý thức tổ chức; ham học hỏi mà không lệ thuộc vào sách vở. Bên cạnh những đức tính ấy, người Quảng Ngãi cũng có những hạn chế nhất định. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Liệu có phải giữ vững tính nguyên tắc mà dễ rơi vào bệnh hẹp hòi, đôi khi bảo thủ, máy móc; có phải nhiệt tâm với quê hương mà còn có tính cục bộ địa phương; do có ý thức tổ chức kỷ luật mà đôi khi cứng nhắc, "quá tả" dễ gây mất đoàn kết; do điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, do phải bỏ nhiều mồ hôi nước mắt để tìm cái sống nên phải quá tằn tiện, dành dụm? Ở đây chúng ta luôn ghi nhớ lời căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhắc nhở "… từng bước khắc phục tính hẹp hòi, khắt khe, cố chấp mà có người tỉnh khác thường nói về Quảng Ngãi" .
Chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, hoàn cảnh lịch sử xã hội, tự nhiên đã hun đúc ở nhân dân Việt Nam nói chung, người dân Quảng Ngãi nói riêng, truyền thống tốt đẹp và những hạn chế nhất định, dần dần được khắc phục. Phát huy truyền thống dân tộc, địa phương chúng ta phải gìn giữ phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục, xoá bỏ mặt tiêu cực. Đó là sự kế thừa và nâng cao hơn nữa truyền thống, phù hợp với yêu cầu cuộc sống ngày nay. Ở đây, giữa truyền thống và hiện đại, giữ gìn truyền thống mà không hoài cổ, công thần chủ nghĩa, ngăn chặn bước tiến của hiện đại. Ngược lại, muốn có những bước tiến nhảy vọt trong hiện đại mà coi nhẹ, phủ nhận quá khứ sẽ làm mất bản sắc dân tộc, địa phương, dễ rơi vào phụ thuộc kẻ khác. Một cách nghiêm túc mà xét, những sai lầm mà chúng ta có thể mắc phải là do sai lầm trong tư duy lý luận, đưa tới hành động không đúng, ảnh hưởng bước tiến của đất nước, địa phương.
Con người Quảng Ngãi với những tố chất cách mạng, lao động sáng tạo, chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, của các công trình xây dựng xe nước, kênh Sơn Tịnh, kênh Bàu Súng, công trình thuỷ lợi Thạch Nham, chủ nhân của nhiều cơ sở công nghiệp, văn hóa, giáo dục; đã sản sinh ra những anh hùng trong sự nghiệp cứu nước, sẽ không chùn bước trong một khó khăn nào của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay.
*
*          *
Tóm lại, việc biên soạn và sử dụng Địa chí Quảng Ngãi có thể đáp ứng các yêu cầu:
Thứ nhất, hiểu biết sâu sắc toàn diện về thiên nhiên, tài nguyên, xã hội, con người Quảng Ngãi để xây dựng và bảo vệ quê hương Tổ quốc, đặc biệt chăm lo giáo dục, sử dụng con người. Đây là việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và chính sách đối với con người, nhằm thực hiện mục tiêu mà Người đặt ra là "giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người". Nếu thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về quyền làm chủ của dân, mọi công việc đều hướng vào mục tiêu "của dân, do dân và vì dân" thì năng lực của người dân mới được khai thác; những mặt tích cực sẽ được phát huy; những điều tiêu cực sẽ được khắc phục, hạn chế.
Thứ hai, thực sự coi trọng việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc ở địa phương, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc. Không thể yên tâm được khi thành cổ Châu Sa tiếp tục bị phá hoại, 12 cảnh đẹp nổi tiếng ngày xưa bị xuống cấp, dần dần bị xoá trên bản đồ tự nhiên Quảng Ngãi. Không thể tạo nên một cuộc sống vui tươi, lành mạnh khi mà các hình thức nghệ thuật, các lễ hội dân gian địa phương không được phục hồi đúng hướng. Những di sản văn hóa dân gian ở địa phương là cơ sở tinh thần, biến thành sức mạnh vật chất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, như đã phát huy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thứ ba, cần nhanh chóng phát triển khoa học, kỹ thuật, làm cho nền kinh tế tri thức nhanh chóng đi vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và địa phương. Khắc phục tình trạng tụt hậu, một nguy cơ trong đời sống quốc tế ngày nay. Việc huy động lực lượng trong tỉnh và ngoài tỉnh, đặc biệt là giới trí thức, các nhà khoa học người Quảng Ngãi sẽ góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển nhanh chóng kinh tế tỉnh nhà.
Thứ tư, trong công cuộc đổi mới quê hương đất nước, qua việc thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa vừa phải dựa vào sức mạnh trí tuệ, thế lực nhân dân, vừa phải đem lại quyền lợi thiết thực ngày một cao cho nhân dân. Trên cơ sở như vậy, sự phát triển mới bền vững. Chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ nêu ra trong tình thế đất nước "nghìn cân treo sợi tóc" trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám: "Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".
Thực hiện điều này cần có kế hoạch và quyết tâm đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân.
Ngày nay, chúng ta nói đến chủ nghĩa xã hội thì phải đào tạo, giáo dục những con người xã hội chủ nghĩa và nhân dân được hưởng những thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như vậy, mới có chủ nghĩa xã hội đích thực và chống lại sự tấn công mạnh mẽ, điên cuồng của những thế lực phản động trong nước và quốc tế trên các mặt văn hóa, chính trị, tâm lý… và chiến lược "Diễn biến hòa bình".
Quần chúng nhân dân là yếu tố quyết định sự phát triển của lịch sử, song điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cũng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của con người qua các giai đoạn lịch sử. Kế thừa và phát huy những truyền thống dân tộc, địa phương trong hiện tại là một yêu cầu quan trọng cho việc xây dựng đất nước hôm nay và ngày mai. Việc phát huy những truyền thống dân tộc và địa phương của con người Quảng Ngãi phải đáp ứng những nhận thức mà Đảng đã nêu về các thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức ngày nay…
Qua Địa chí Quảng Ngãi, nhân dân Quảng Ngãi thêm tự hào với quá khứ, nhận thức rõ hơn trách nhiệm với hiện tại và tin tưởng vào tương lai, hăng say trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước là yêu cầu phải đạt được. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan và các tác giả địa chí sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống.

  GS.TS. NGND PHAN NGỌC LIÊN

(http://www.quangngai.gov.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét